Chi tiết bài viết - Huyện Gio Linh

Đang truy cập: 415

Hôm nay: 569

Hôm qua: 2,576

Tuần này: 7,557

Tuần trước: 14,932

Tháng này: 36,276

Tháng trước: 62,906

Tổng lượt truy cập: 502,360

Lễ phát động ra quân khai thác cá vụ Nam và khởi động du lịch biển năm 2023

Ngày 30/3, UBND huyện tổ chức ra quân khai thác cá vụ Nam và khởi động du lịch biển năm 2023. Tham dự có đại diện các Sở, ngành cấp tỉnh có liên quan. Về phía huyện có đồng chí Nguyễn Văn Giảng - PBT TT Huyện ủy - Chủ tịch HĐND huyện cùng các đồng chí trong Ban Thường vụ Huyện ủy, Thường trực HĐND huyện; đồng chí Võ Đắc Hóa - PBT - Chủ tịch UBND huyện cùng các đồng chí PCT UBND huyện; đồng chí Nguyễn Thiên Bình - UVTV - Chủ tịch UBMTTQVN huyện; đại diện lãnh đạo các cơ quan, đơn vị huyện; các cơ quan Trung ương, tỉnh đóng trên địa bàn; đại diện lãnh đạo UBND các xã, thị trấn; bà con nhân dân trên địa bàn các xã vùng biển.

Đ/c Võ Đắc Hóa - PBT - Chủ tịch UBND huyện phát biểu tại buổi phát động

Cách đây vừa tròn 54 năm, ngày truyền thống nghề cá Việt Nam được hình thành, sự kiện Bác Hồ về thăm làng cá ngày 31/3/1959 đã trở thành niềm tự hào của các thế hệ ngư dân và của những người làm công tác trong ngành thủy sản trên phạm vi cả nước. Từ đó đến nay, nhân dân cả nước nói chung, nhân dân vùng biển Gio Linh nói riêng đã không ngừng nỗ lực thi đua phát triển sản xuất, nuôi trồng, đẩy mạnh khai thác thủy hải sản, có nhiều đóng góp quan trọng vào công cuộc bảo vệ và xây dựng đất nước, quê hương. Trong những năm qua, tuy gặp nhiều khó khăn về thời tiết khí hậu, đặc biệt là ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 đã tác động bất lợi về nhiều mặt nhưng được sự quan tâm của các cấp, các ngành, sự nỗ lực của cán bộ, của lực lượng ngư dân, của bà con cô bác vùng biển, kinh tế biển của huyện cơ bản có sự phát triển vượt bậc, đạt được những kết quả quan trọng. Các cấp, các ngành từ huyện đến cơ sở đã tập trung quán triệt, triển khai thực hiện Kết luận của Huyện ủy, Nghị quyết của HĐND huyện về Chương trình phát triển kinh tế vùng biển đến năm 2025; trên cơ sở đó, đã tiến hành điều chỉnh, sắp xếp, tổ chức lại các ngành nghề sản xuất kinh doanh; đẩy mạnh khai thác và chế biến thủy sản, nâng cao hiệu quả các dịch vụ hậu cần nghề cá, phát triển các hoạt động thương mại, dịch vụ và du lịch dọc tuyến biển, mở rộng sản xuất trên vùng cát ven biển, xây dựng được một số mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với điều kiện của vùng, giải quyết thêm nhiều việc làm và tăng thu nhập cho người lao động. Bà con ngư dân đã tập trung huy động các nguồn lực, đầu tư phát triển mạnh đội tàu đánh bắt xa bờ, khai thác ở vùng biển xa; nâng cấp, duy tu, bảo dưỡng ghe thuyền vùng bãi ngang để khai thác ở vùng lộng. Đặc biệt, các cấp, các ngành cùng bà con ngư dân tích cực triển khai thực hiện Nghị định 67, Nghị định 89, Quyết định 48 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản. Phương tiện đánh bắt ngày càng hiện đại, bà con ngư dân tích cực tiếp cận các kỹ thuật đánh bắt, ứng dụng khoa học công nghệ, ứng dụng công nghệ tiết kiệm nguyên nhiên liệu. Các đội tàu xa bờ, Đội tự quản bến bãi tàu thuyền, tổ tàu thuyền an toàn trên biển phối hợp hoạt động có hiệu quả, đảm bảo an toàn cho ngư dân trên biển. Hiện nay, toàn huyện hiện có 862 tàu thuyền cơ giới khai thác và dịch vụ thủy sản với tổng công suất 101.590CV; trong đó, có 165 tàu có chiều dài từ 15m trở lên khai thác xa bờ. Các phòng ban chuyên môn huyện đã tích cực phối hợp chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương và ngư dân thực hiện nghiêm túc các quy định về chống khai thác hải sản bất hợp pháp (IUU). Các dịch vụ hậu cần nghề cá phát triển mạnh, đáp ứng nhu cầu đánh bắt hải sản trong vùng. Sản lượng thủy sản năm 2022 đạt trên 17.000 tấn, chiếm khoảng 60% so toàn tỉnh. Hoạt động đánh bắt thủy sản xa bờ đã giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động trực tiếp và gián tiếp, góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế - xã hội của huyện và bảo vệ chủ quyền biển đảo của đất nước. Cùng với việc đẩy mạnh phát triển các ngành nghề đánh bắt, chế biến, dịch vụ hậu cần nghề cá, trong thời gian qua, các ban ngành cấp huyện, các địa phương vùng biển đã tập trung chỉ đạo tăng cường xây dựng, củng cố cơ sở hạ tầng ven biển, kết hợp quảng bá, khởi động mạnh các hoạt động dịch vụ, du lịch sau thời gian dài ảnh hưởng do dịch bệnh Covid-19. Các nhà hàng, cơ sở dịch vụ phục vụ tắm biển nghỉ dưỡng đã hoạt động trở lại bình thường, thu hút đông đảo du khách đến tắm biển, tham quan, nghỉ dưỡng. Đặc biệt, hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội các xã vùng biển đang được Trung ương, tỉnh quan tâm đầu tư xây dựng như: Công trình Hạ tầng kỹ thuật GPMB để mở rộng cảng Cửa việt, Hạ tầng khu dịch vụ du lịch Cửa Tùng –Cửa Việt thuộc dự án hạ tầng cơ bản cho phát triển toàn diện tỉnh Quảng Trị đoạn đi qua địa bàn huyện Gio Linh (BIIG2, mở rộng bãi tắm Cửa Việt, Phát triển cơ sở hạ tầng du lịch hỗ trợ cho tăng trưởng toàn diện khu vực tiểu vùng sông MêKông mở rộng …

Phát biểu tại Lễ phát động, đồng chí Võ Đắc Hóa - PBT - Chủ tịch UBND huyện đề nghị các cơ quan, ban, ngành cấp huyện, Đảng ủy, HĐND, UBND, UBMTTQVN và các ban ngành, đoàn thể các xã, thị trấn vùng biển tập trung quán triệt, chỉ đạo bà con ngư dân thực hiện tốt việc khai thác đi đôi với bảo vệ môi trường và nguồn lợi thủy hải sản; tuân thủ luật pháp về biển đảo của Việt Nam và quốc tế, tích cực hưởng ứng chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU) gắn với thực hiện có hiệu quả Nghị định 71 của Chính phủ về quản lý người và phương tiện ra vào khu vực biên giới biển, tích cực tham gia các hoạt động bảo vệ chủ quyền biển đảo.  Đề nghị bà con ngư dân, các cơ sở sản xuất, kinh doanh tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua “Làm giàu cho mình, làm giàu cho quê hương”, “Chung sức xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, phát huy tinh thần đoàn kết, tiếp tục củng cố, nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động của các Tổ tàu thuyền an toàn trên biển, các Tổ tự quản bến bãi tàu thuyền, thường xuyên quan tâm, giúp đỡ nhau làm ăn trên biển có hiệu quả; đồng thời, khắc phục khó khăn, huy động các nguồn lực tại chỗ, mạnh dạn vay vốn đầu tư, nâng cấp và đóng mới tàu, thuyền, mua sắm ngư cụ phục vụ cho việc đánh bắt có hiệu quả, tích cực vươn khơi, đánh bắt xa bờ, mở rộng ngành nghề. Nuôi trồng và khai thác hải sản kết hợp với công nghệ chế biến để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tăng sức cạnh tranh trên thị trường; phát triển các dịch vụ hậu cần nghề cá. Chính quyền các địa phương, các cơ quan chức năng, Đồn biên phòng cửa khẩu cảng Cửa Việt tiếp tục làm tốt công tác phối hợp, đảm bảo quản lý chặt chẽ tàu thuyền trên biển, phát huy tinh thần trách nhiệm của bà con ngư dân trong việc đảm bảo thông tin liên lạc, đặc biệt là làm tốt công tác tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn trong mọi tình huống. Các cơ quan, đơn vị huyện tiếp tục phối hợp đẩy mạnh xây dựng thương hiệu, cải tiến việc đóng gói sản phẩm, quảng bá rộng rãi các sản phẩm đặc trưng; khuyến khích các cơ sở, cá nhân có điều kiện đầu tư chế biến, hình thành các lô quầy trưng bày, cung ứng các sản phẩm thủy sản có thế mạnh phục vụ du khách đến với các bãi tắm trên địa bàn. tập trung cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; thu hút nguồn lực nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh, nhất là các ngành kinh tế biển. Song song với việc phát triển nghề cá, cán bộ và nhân dân các xã, thị trấn vùng biển cần phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương để phát triển đa dạng hóa các ngành nghề dịch vụ du lịch, chế biến thủy sản, hậu cần nghề cá, chủ động tìm kiếm thị trường, đẩy mạnh các hoạt động bảo vệ môi trường, thường xuyên tổ chức thu gom, xử lý rác thải, làm sạch đẹp bờ biển, khu dân cư, tạo chuyển biến mới về chất lượng dịch vụ, du lịch. Đề nghị bà con nhân dân, đặc biệt là những người trực tiếp kinh doanh dịch vụ tại các bãi tắm thực hiện tốt các nội dung văn hóa ứng xử, phong cách giao tiếp văn minh, lịch sự trong kinh doanh để tăng sự hài lòng của du khách khi đến tắm biển. Tiếp tục làm tốt công tác kêu gọi, tạo điều kiện để nhà đầu tư phát triển hạ tầng thương mại - dịch vụ - du lịch có quy mô, khuyến khích, tạo điều kiện để các thành phần kinh tế tham gia phát triển du lịch biển, xây dựng các khu nghỉ dưỡng cao cấp, đầu tư xây dựng các nhà hàng, khách sạn gắn với phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hoá đặc sắc của địa phương kết nối với các tuyến - tour du lịch trên địa bàn tỉnh, huyện... Tăng cường công tác quảng bá trên các phương tiện truyền thông, xây dựng logo quảng cáo về du lịch biển và những sản phẩm hải sản đặc trưng có thương hiệu của địa phương. Phấn đấu đến năm 2025 du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế quan trọng trong chiến lược phá triển kinh tế – xã hội của huyện, đến năm 2030 Gio Linh trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn của tỉnh Quảng Trị, góp phần vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế của huyện, tỉnh, đưa Quảng Trị trở thành địa phương phát triển mạnh về kinh tế biển của vùng duyên hải miền Trung.

Văn phòng HĐND&UBND huyện